Bí quyết nướng cá thu độc đáo ở làng nghề Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò – Nghệ An

Gần 30 năm làm nghề nướng cá thu, chị Trần Thị Liên ở khối 8, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò không nhớ rõ số lượng cá mình đã nướng; chỉ biết trung bình mỗi này chị nướng khoảng 1,2 tạ cá thu.

Chia sẻ về cơ duyên với nghề, chị Liên cho hay: “Tôi học theo bố mẹ từ nhỏ và duy trì cho đến nay. Chính nghề này đã giúp tôi phát triển kinh tế, nuôi mẹ già và ba đứa con trưởng thành”.

ca-thu-tuoi-cua-lo

Những khúc cá thu được cắt khúc, ngâm nước sạch trước khi nướng. Ảnh: Trần Vũ

Theo chị Liên, để có những khúc cá thu chất lượng, yêu cầu đầu tiên là phải chọn cá tươi. Để mua được cá tươi các hộ làm nghề phải đến bến tàu từ sáng sớm; một con cá thu đạt yêu cầu là mắt còn sáng, thịt da trắng. Cá đã ươn thì nướng lên thịt sẽ bở, ăn không có mùi thơm.

“Cá thu sau khi thu mua về được rửa sạch, cắt khúc chéo vừa kích cỡ rồi ngâm vào nước sạch; ngâm qua chừng 5 – 6 lần, đến khi nào thau nước có màu trắng, trong thì đạt yêu cầu. Đặc biệt trong quá trình ngâm, rửa cá người làm có thêm thao tác dùng chiếc tăm nhỏ, lấy những mạch máu đỏ trong thân cá ra. Việc này giúp khúc cá sau khi nướng đẹp mắt hơn” – chị Thu chia sẻ kinh nghiệm.

Ngoài các công đoạn bắt buộc trên, để khúc cá không bị cháy, dính rỉ sắt, người nướng cá ở Cửa Lò còn có một bí quyết riêng. Trước khi nướng, họ sẽ quấn một lớp lá chuối tươi đã rửa sạch xung quanh thanh sắt. Những thanh sắt này sau đó sẽ được xếp ngay ngắn lên bếp than đỏ rực. Người nướng cá chỉ việc xếp các khúc cá lên và trở đều tay.

que-nuong-ca-thu

Thanh sắt được quấn lá chuối tươi trước khi đặt lên bếp than để nướng cá được xem là

bí quyết độc của người dân nơi đây. Ảnh: Trần Vũ

Trong quá trình làm phải chú ý đến thanh sắt quấn lá chuối. Nếu lá chuối cháy hết thì phải thay thanh khác vào. Như vậy, khúc cá vừa có mùi thơm riêng, vừa đảm bảo vệ sinh. Cá sau khi nướng để nguội hẳn rồi bọc qua lớp giấy sạch.

Hiện nay, cá thu Cửa Lò được thương lái lấy mối đưa đi các chợ trong và ngoài tỉnh; những khúc cá thơm ngon còn được xuất ngoại sang Lào theo đơn đặt hàng của khách quen.

Những năm gần đây, món cá thu nướng Cửa Lò được xem là đặc sản đối với nhiều khách du lịch. Do vậy, các hộ nướng cá trở nên “chuyên nghiệp” hơn trong cách nướng và phục vụ du khách. Đặc biệt mới đây, việc được công nhận nhãn hiệu tập thể “cá thu nướng Cửa Lò” giúp thương hiệu đặc sản vùng biển này được nhiều người biết đến.

ca-thu-nuong-cua-lo

Cá thu nướng Cửa Lò đang có thương hiệu. Ảnh: Quang An

Như gia đình chị Liên, chồng mất khi đứa con út chưa kịp chào đời, nên chị phải bươn chải để cáng đáng gia đình. Nhờ có nghề nướng cá truyền thống đã giúp chị trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học. Nghề nướng cá khá vất vả khi phải thức khuya, dậy sớm, thường trực bên bếp than hừng hực. Dù vậy, với nhiều hộ dân, đây là nghề giúp họ phát triển kinh tế.

Hay như chị Hồng ở phường Nghi Thủy, cũng nhờ nghề nướng cá đã giúp hai vợ chồng nuôi ba con thành đạt. Đời bố mẹ quanh năm ngồi bên than bếp nóng nực, bụi bặm, do vậy chúng tôi cố gắng nuôi con cái thành đạt, có cuộc sống an nhàn hơn” – chị Hồng cho hay.

ca-thu-nuong-cua-lo2

Cửa Lò đã xây dựng thương hiệu cá thu nướng và sản phẩm được bao gói cẩn thận. Ảnh: Q.A

Ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội nông dân phường Nghi Thủy cho hay: Hiện nay, tại địa phương có gần 100 hộ làm nghề nướng cá. Trong đó, có nhiều hộ chủ yếu chỉ nướng cá thu phục vụ khách du lịch. Đây là nghề giúp nhiều hộ dân nơi đây vươn lên khá giả.

Theo Trần Vũ – Quang An (Nghệ An Online)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.